Lee Chong Wei – Vị vua không ngai của cầu lông thế giới

Đăng bởi: THÍCH Cầu Lông | 27/05/2024 | 209 lượt xem
Hôm nay, chúng ta sẽ khám phá một nhân vật vô cùng đặc biệt, một vận động viên mà không ít người hâm mộ trên toàn thế giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên, anh cũng là một trong những VĐV khiến người hâm mộ cảm thấy tiếc nuối nhất với sự nghiệp lừng lẫy nhưng lại dang dở. Hãy cùng nhau lắng nghe những lời nhận xét về nhân vật này để xem liệu bạn có đoán được chúng ta nói về ai không nhé.

“Nếu cậu ấy là người Trung Quốc, tôi chắc chắn rằng cậu ấy đã có ít nhất một danh hiệu vô địch thế giới và một tấm HCV Olympic,” như Li Yong Bo đã nói.

“Tôi thích xem cậu ấy thi đấu, kỹ thuật của cậu ấy hoàn hảo và mê hoặc. Thật tiếc khi cậu ấy phải thi đấu cùng thời với Lin Dan – một VĐV luôn thi đấu với hiệu suất rất cao. Cậu ấy là một tay vợt tuyệt vời. Nếu cậu ấy xuất hiện trong bất cứ thời kỳ nào khác ngoài thời kỳ của Lin Dan, chắc chắn cậu ấy đã vô địch Olympic và vô địch thế giới. Dù sao thì cũng thú vị khi cầu lông thế giới có một cặp kình địch thủ vĩ đại như vậy,” Steen Pedersen – cựu HLV trưởng đội tuyển cầu lông Đan Mạch, nay là bình luận viên của BWF, đã chia sẻ.

“Anh ta là tay vợt xui nhất trong làng cầu lông vì chưa có cao thủ nào đứng ở vị trí số một thế giới lâu đến thế, nhưng lại liên tục lỡ hẹn với chức vô địch thế giới và Olympic,” Nguyễn Tiến Minh đã bày tỏ.

Những lời nhận xét này từ những nhân vật có uy tín và quyền lực trong môn cầu lông đã hé lộ một phần nào đó về nhân vật mà chúng ta sẽ tìm hiểu hơn trong bài viết này.

Và đó chính là Lee Chong Wei

Lee Chong Wei – Vị vua không ngai của cầu lông thế giới

Tuổi thơ cơ cực

Tuổi thơ của Lee Chong Wei đã trải qua những khó khăn từ thách thức của gia đình và hoàn cảnh xã hội. Sinh ra trong một gia đình không giàu có, bố của anh, ông Lee Ah Chai, phải làm nhiều công việc khác nhau để nuôi sống gia đình, từ lái xe đến công việc bốc xếp hàng hóa.

Theo lời của LCW, anh sinh ra đã là sự cố của bố mẹ. Trước khi anh ra đời, bố mẹ anh đã có 2 người con là Lee Chong Hoon và Lee Chong Eng. Gia đình không có điều kiện tài chính ổn định, và bà Khor Kim Choi, mẹ của anh, làm công việc nội trợ. Họ đã thực hiện nhiều biện pháp tránh thai trước khi LCW ra đời, nhưng sau khi bà Khor mang thai, họ quyết định giữ lại đứa con thứ ba và tin rằng anh sẽ là một món quà đặc biệt từ trời ban.Lee Chong Wei sinh ngày 21/10/1982 tại Bagan Serai, Perak. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi ở của anh đã nhiều lần từ Bangan Serai đến nhà ông bà nội ở Jelutong, sau đó là Teluk Bahang, và khi anh 4 tuổi, gia đình định cư tại Bukit Mertajam.

Vì cuộc sống gia đình khó khăn, cha mẹ anh đã từng suy nghĩ đưa anh cho một gia đình khác. Vào thời điểm những thập niên 80, trong cộng đồng người Hoa ở Malaysia, việc này khá phổ biến để có điều kiện tốt hơn cho con. Nhưng với tình cảm mẫu tử đã khiến bà mẹ quyết định giữ lại người con trai, và sau này, chính bà cũng thừa nhận rằng “Từ khi có anh, cuộc sống gia đình trở nên tốt hơn và họ coi anh ấy là ngôi sao may mắn của gia đình.”

 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ khi còn rất bé, Lee Chong Wei cùng với các anh em trong gia đình đã phải làm thêm, phụ giúp bố mẹ kiếm sống. Sau mỗi giờ học trên lớp, thay vì được vui chơi như những đứa trẻ cùng trang lứa thì LCW chạy thật nhanh về nhà để làm thêm công việc đóng gói dây cao su giúp mẹ. Công việc tiêu tốn rất nhiều thời gian và thời gian nghỉ cho anh em nhà LCW thường vào lúc nửa đêm.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng gia đình LCW vẫn đón thêm 1 thành viên mới, đó chính là người em gái Lee Mei Ching – thành viên kém LCW 4 tuổi và với khoảng cách tuổi tác không quá lớn, Lee Mei Ching cũng trở thành người thân nhất với LCW trong gia đình. Nhưng không vì vậy mà LCW không quý trọng 2 người anh trai của mình, anh luôn cảm thấy biết ơn các anh trai của mình vì họ đã phải bỏ học sớm đi làm đỡ dần cùng cha mẹ rồi để nhường lại cơ hội đi học cho các em.

Lee Chong Wei – Vị vua không ngai của cầu lông thế giới

Lee Chong Wei bắt đầu biết đến cầu lông từ khi mới 5 tuổi, Anh nhớ lại:

“Lúc đó tôi học mẫu giáo, vào buổi chiều các anh chị lớn tuổi hơn hay chơi cầu ở góc sân của trung tâm thương mại khi trời đã đứng gió. Tôi rất muốn tham gia cùng mọi người nhưng luôn bị gạt ra vì tôi quá nhỏ bé, mọi người nghĩ tôi không đủ sức đánh với họ. Tôi chạy phía sau hoặc 2 bên sân để nhặt cầu cho mọi người. Ít nhất, khi làm như vậy tôi cảm thấy mình cũng được tham gia vào trò chơi một cách bình đẳng. Tôi khá hài lòng dù vai trò của mình khá nhỏ”

Nhưng đó chỉ là những tiếp xúc đầu tiên của LCW với cầu lông, lúc đó cầu lông không phải là môn thể thao yêu thích của anh. Môn thể thao LCW yêu thích thời niên thiếu là bóng rổ.
Mặc kệ trời đông hay hè, gió rét hay nắng cháy da cháy thịt, LCW cùng những người bạn của mình vẫn theo đuổi trái bóng màu cam. LCW đam mê tới mức anh luôn là người cầm đầu đám trẻ của khu phố, mỗi buổi trưa hè nắng gắt đều trốn ngủ để chơi bóng rổ cùng nhau. Điều đó khiến các bà mẹ của các bạn cùng chơi với LCW tỏ ra không hài lòng và mách lại với bà Khor. Vì thế mà LCW bị mẹ cấm chơi bóng rổ.

Mãi tới năm lớp 4 khi 11 tuổi, LCW ngồi cạnh 1 người bạn chơi cầu lông giỏi của lớp và bị người bạn này rủ rê cũng như thách đấu trong các trận đấu. LCW đã bắt đầu theo bạn của mình tới sân cầu lông của trường và từ lúc này LCW mới chính thức chơi cầu lông một cách nghiêm túc.

Đối với các VĐV chuyên nghiệp thì đây có thể là độ tuổi khá muộn nhưng với tài năng thiên bẩm, không quá khó để LCW thành thạo và dễ dàng bắt nhịp được với các bạn của mình. 

Trong cuốn hồi kí “Dare To Be A Champion” xuất bản năm 2012 LCW viết:
“Cầu lông là môn thể thao dễ tiếp cận, mặc dù mới làm quen nhưng tôi nhanh chóng thành thạo các kĩ năng. Đối với người mới chơi thì đây không phải là môn thể thao quá phức tạp.”
Từ lúc đó, LCW trở nên gắn bó hơn với cây vợt cầu lông và cùng năm đó anh có danh hiệu đầu tiên khi vô địch ở giải đấu cấp trường.
“Chiếc cúp chiến thắng đầu tiên có khắc tên tôi và được trao cho tôi trong buổi tập trung ở trường. Điều đó thật đáng tự hào”.
Nhắc tới tự hào, bạn có biết vì sao LCW cảm nhận được điều đó không? Đó là bởi ngay từ bé LCW đã không thích làm bạn với sách vở. Trong 1 lần chia sẻ cảm xúc kỉ niệm ngày cưới với vợ mình, LCW cũng từng nói anh lên lớp chỉ mang theo 1 chiếc gối. Qua đó có thể thấy cầu lông đã mang lại cho LCW sự tôn trọng từ những người bạn và cả các thầy cô. Cũng vì thế mà LCW luôn cố gắng chơi cầu lông giỏi hơn nữa.

HLV Teh Eng Huat là người phát hiện ra tài năng của LCW và rất muốn đào tạo anh, nhưng khi LCW về xin phép mẹ để được đi tập thì câu trả lời là “không”. Bố anh cũng ngăn cấm không cho anh đi tập cầu bởi nơi huấn luyện của HLV Teh cách khá xa nơi gia đình anh sinh sống. Bên cạnh đó, LCW cũng biết rằng điều kiện kinh tế của gia đình anh không cho phép.

Nhưng không vì thế mà LCW từ bỏ cầu lông. 

“Những khó khăn trong cuộc sống không ngăn cản được tôi. Ngoài bóng rổ, tôi còn chơi cầu lông mỗi ngày ở trường. Cuối tuần, tôi tự ý lấy vợt của bố và tụ tập cùng bạn bè ở cổng chính của trường, mặc dù cuối tuần nó bị khoá nhưng chúng tôi vẫn có lối bí mật để vào. Chúng tôi dựng xe đạp ở cổng sau rồi trèo vào sân cầu lông và bóng rổ ở trong đó.”

Vì không được phép tham gia tập luyện cầu lông, Lee Chong Wei tiếp tục chơi cả bóng rổ và cầu lông đồng thời. Tuy nhiên, việc anh rủ rê một bạn của mình đi chơi bóng rổ giữa trưa đã gây ra một sự cố không mong muốn, làn da của bạn anh bị  cháy nắng và sạm đi. Điều này khiến bố của LCW quyết định cho anh tham gia tập luyện cầu lông dưới sự hướng dẫn của HLV Teh Eng Huat. Nguyên nhân chính để quyết định này được đưa ra có lẽ là do ông Lee Ah Chai, người có niềm đam mê với cầu lông, nhận thấy rằng việc tiếp tục chơi bóng rổ sẽ không giúp Lee tiến xa trong sự nghiệp, đặc biệt khi môn thể thao này chưa phát triển mạnh mẽ ở Malaysia và không có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn.

Kể từ đó, hàng chiều, ông Lee Ah Chai đưa Lee Chong Wei đến trung tâm cầu lông S.J.K, nơi anh chính thức trở thành một người hâm mộ trung thành của môn thể thao này. Tại đây, LCW được tập luyện dưới sự chỉ dẫn của Teh Eng Huat, một người mà LCW mô tả là có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự nghiệp của anh.

Nhớ lại những kỷ niệm, LCW nhấn mạnh rằng, Teh Eng Huat lúc đó khoảng 30 tuổi, đã tiếp cận anh và bố anh với giọng khàn khàn:
“Chàng trai này rất tài năng và có hy vọng trở thành 1 tuyển thủ tiềm năng. Tôi có thể chứng minh điều đó trong vòng 3 tháng, vậy nên anh có thể để tôi huấn luyện con trai anh được không? “

Và kể từ hôm đó, với sự ủng hộ của gia đình, LCW luôn có mặt ở sân cầu lông S.J.K tập luyện sau mỗi buổi học trên trường, anh luyện tập rất chăm chỉ bất kể hôm đó là ngày nghỉ hay ngày lễ. LCW luyện tập ở đây cho đến năm 1999 thì anh được gọi lên đội tuyển quốc gia.

“Cầu lông là tất cả đối với tôi. Tôi đến đó để tập luyện đều đặn suốt 6 năm cho đến khi tôi được gọi vào đội tuyển quốc gia. Mỗi khi nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể tưởng tượng một sân đấu lớn với sân cầu lông ở giữa, nghe tiếng đế giày di chuyển và âm thanh của cú đánh cầu lông mạnh mẽ và đầy năng lượng. Những ngày ngồi sau lưng bố trên chiếc xe máy vẫn đọng sâu trong ký ức của tôi, như mùi cao su trên yên xe cũ, tiếng gió nóng rít vào má, và mùi mồ hôi kết hợp với những giọt nước mưa. Tôi cảm nhận được tình cảm của cha và sự ủng hộ, cũng như kỳ vọng từ ông, những kỷ niệm đó luôn ở trong tâm trí tôi.”

Không phụ lòng sự hỗ trợ từ gia đình và HLV, LCW đã nghiêm túc tập luyện và nhanh chóng đạt được thành công, giành chức vô địch đơn nam tại S.J.K và Jit Sin B chỉ sau 1 năm luyện tập. Những thành tựu đầu tiên đã tạo động lực và niềm tin cho LCW, hy vọng anh sẽ trở thành một VĐV cầu lông vĩ đại trong tương lai.

Giải đấu đầu tiên của LCW ngoài cánh cửa trường học là Milo Cup – một giải đấu cấp quốc gia dành cho lứa tuổi U15. Lúc đó, LCW chỉ mới tập luyện cầu lông được 3 năm, trong khi đối thủ cùng trang lứa đã có tới 7-8 năm kinh nghiệm, tham gia nhiều giải đấu cấp cao hơn. Tại vòng 1 của giải đấu, LCW phải đối đầu với Gan Teik Chai, một đối thủ rất mạnh và sau này trở thành một VĐV cầu lông chuyên nghiệp và tuyển thủ quốc gia cho Malaysia. Đa số mọi người đều nghĩ rằng LCW sẽ không có cơ hội chiến thắng vì thể hình của anh thấp bé và chưa có thành tích nổi bật trước đó, trong khi Gan Teik Chai được biết đến và là hạt giống mạnh của giải. Tuy nhiên, LCW đã làm cho khán giả và các chuyên gia phải ngạc nhiên bởi lối đánh kỹ thuật của anh, khiến đối thủ không có cơ hội và nhanh chóng giành chiến thắng với tỉ số 15-12 sau chỉ 2 set. Tiếp tục với đà thắng, LCW đã vượt qua các vòng đấu và giành chức vô địch tại giải đấu này.

Mặc dù đã có những thành công ban đầu, nhưng sự nghiệp của Lee Chong Wei vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Anh đã nộp đơn vào Học viện Thể thao Quốc gia Bukit Jalil, nhưng bị từ chối do thể hình nhỏ bé và nền tảng thể lực chưa đủ tốt, mặc dù anh đã thu hút sự chú ý và đề xuất từ nhiều HLV trong đội tuyển quốc gia.

Bước ngoặt của sự nghiệp 

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Lee Chong Wei diễn ra vào năm 1999 khi anh 17 tuổi – một độ tuổi đã khá muộn đối với một VĐV muốn theo đuổi con đường chuyên nghiệp, đặc biệt là khi các đồng đội của anh đã bắt đầu vào học viện từ năm 12-13 tuổi như Chin Eei Hui.

Với lối chơi kỹ thuật, LCW thu hút sự chú ý của Morten Frost – HLV của đội tuyển cầu lông quốc gia Malaysia. Mặc dù anh đã bị loại từ vòng 2 tại giải đấu mà Morten Frost theo dõi, nhưng ông nhận ra tiềm năng của LCW. Thư tiến cử Lee Chong Wei từ Morten Frost cũng ban đầu bị hội đồng HLV từ chối một cách thẳng thừng, và sau đó ông phải tự đề xuất để được chấp thuận.

Tới 17 tuổi, LCW nhận được lời mời từ học viện thể thao quốc gia sau khi đã trải qua 2 lần bị từ chối. Do gia đình quá nghèo, khi lên thủ đô Kuala Lumpur để nhập học, anh phải đi một mình và đi tàu từ Bukit Mertajam mà không có sự đồng hành của bố mẹ.

“Đó là lần đầu tiên tôi xa gia đình và quê hương, cảm xúc trong tôi lẫn lộn. Những câu hỏi bắt đầu xuất hiện trong đầu tôi: Tôi sẽ được đào tạo như thế nào? Có phải cách huấn luyện giống với của HLV Teh không? Ai sẽ là đồng đội của tôi? Ai sẽ huấn luyện tôi? Tôi đã cố gắng tưởng tượng những gì phía trước, nhưng điều đó thật khó khăn. Tôi cảm thấy bồn chồn khi tới Kuala Lumpur.”

LCW bắt đầu một cuộc sống mới hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Cuộc sống tập luyện và học tập đầy kỷ luật và nghiêm ngặt, bắt đầu từ 6h45 sáng đến trưa, sau đó là học văn hoá đến 15h30 và tiếp tục với tập luyện đến 18h30. Những bài tập, giáo án và thiết bị tập luyện mới khiến LCW có phần bỡ ngỡ và trở thành đối tượng chế giễu của bạn bè.

“Trước đó, tôi và bạn bè chưa quan tâm nhiều đến tập thể lực, nhưng tại đây, việc luyện tập thể lực đòi hỏi sự nghiêm ngặt và khó khăn hơn so với quê nhà. Mỗi buổi tập thể lực với việc chạy bền, tôi thường chỉ chạy được một đoạn và rồi nghỉ lại mua đồ ăn vặt, nhưng sau đó tôi đã hiểu tại sao phải rèn luyện thể lực một cách nghiêm túc, bởi kỹ thuật chỉ là một phần của VĐV chuyên nghiệp.”

Khi gia nhập học viện, LCW không ngay lập tức được vào Đội tuyển quốc gia. Các VĐV khác đã ở đây từ lâu và được đào tạo tốt, đôi khi làm LCW cảm thấy bị coi thường.

“Tôi bắt đầu nghĩ về cách để không bị coi thường. Tôi quyết định tăng gấp đôi thời gian luyện tập để bắt kịp trình độ của đồng đội. Khi họ nghỉ ngơi, tôi tiếp tục luyện tập một mình, ngay cả khi tay tôi đã phồng rộp và có các vết chai đau đớn. Lúc đó, tôi ngứa ngáy, nhưng tôi vẫn kiên trì với các bài tập.”

 

Giải vô địch trẻ châu Á năm 2000 tại Nhật Bản là giải đấu Quốc tế đầu tiên của LCW và cũng tại đây, LCW lần đầu tiên gặp người bạn, cũng là đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp của mình, đó là Lin Dan.

Ngay từ cuộc đối đầu đầu tiên, cả hai đã thể hiện họ là những đối thủ không đội trời chung. Trận đấu kéo dài 3 set đã mang lại những phút giây kịch tính cho khán giả. Ở set quyết định, khi tỉ số là 16-16, cả Lin và Lee đều quyết tâm giành điểm cuối cùng. Kết quả của trận đấu là Lin Dan chiến thắng với tỉ số cuối cùng là 17-16. Cả hai huyền thoại này sau này đã kể lại rằng, lúc đó họ không ngờ rằng họ sẽ trở thành những đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp của nhau. Trong suy nghĩ của LCW thời điểm đó, những tên đáng chú ý hơn là Taufik Hidayat, Sony Dwi Kuncoro của Indonesia và Bao Chun Lai của Trung Quốc.

Dù LCW đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong giải đấu đầu tiên với Đội tuyển quốc gia, khiến cả ban huấn luyện và người hâm mộ Malaysia phấn khích, nhưng mọi chuyện không diễn ra thuận lợi như vậy. Tháng 10 cùng năm, LCW tham dự Giải vô địch trẻ thế giới tại Trung Quốc, nhưng anh để thua Sony Dwi Kuncoro ở bán kết. Sau đó, anh trở về Malaysia để tham dự Giải SPM – một cuộc thi đánh giá năng lực của các VĐV trong học viện quốc gia. LCW không đạt được thành tích cao bởi anh mới vừa trở về từ Giải vô địch trẻ thế giới và chưa đạt được trạng thái tốt nhất.

Tiếp sau đó, trong nhiều giải đấu, LCW không đạt được thành tích tốt và dần mất phương hướng.

Và rồi người thứ 2 có sự ảnh hướng lớn nhất tới sự nghiệp của anh xuất hiện. DATO MISBUN SIDEK.


Đến năm 2002 khi tròn 20 tuổi, LCW bắt đầu được BHL cho đi thi đấu các giải đấu quốc tế, và người được liên đoàn cầu lông Malaysia cử làm HLV cho anh chính là Misbun Sidek.
Ở cái tuổi trẻ “bẻ gãy sừng trâu”, cùng với 1 số thành tích trước đó, nhiều lúc LCW  thể hiện mình hơi thái quá.

 “Ở độ tuổi tràn đầy sinh lực và có xu hướng luôn muốn thể hiện bản thân, tôi cảm thấy rất khó để kiềm chế sự phấn khích trong các trận đấu. Chính HLV Sidek đã giúp tôi hiểu tầm quan trọng của việc bình tĩnh và kiểm soát cơn tức giận trên sân. Tôi dần dần học cách kiềm chế cơn nóng giận khi thi đấu, ông ấy còn dạy tôi ý nghĩa của sự chịu đựng trong những khoảnh khắc khó khăn trên sân”.

Sidek cũng nhận ra những điểm yếu của LCW là tâm lý và đặc biệt là thể lực, yếu tố then chốt với các VĐV đánh đơn. Tuy nhiên, giai đoạn đầu làm việc với Sidek, LCW gặp khó khăn với giáo án tập luyện nặng về thể lực và cảm thấy mất phương hướng.
Sau đó, bác sĩ vật lý trị liệu Sandra của học viện cầu lông quốc gia đã xuất hiện và giúp LCW cải thiện thể chất và hình thể của mình. “Tôi tin rằng Sandra đóng một vai trò rất quan trọng,” LCW chia sẻ. Từ một cậu thanh niên mảnh khảnh, LCW đã trở thành một vận động viên với khối cơ dày và thể lực cải thiện rõ rệt.Dưới sự hỗ trợ của HLV Sidek, Bác sĩ Sandra, và đội ngũ hỗ trợ khác, LCW từng bước có những thành công trên sân cỏ. Tuy nhiên, thành công của anh diễn ra chậm hơn so với một số VĐV đồng trang lứa. Năm 2002 và 2003, LCW chỉ giành được một số danh hiệu nhỏ nhưng để lại dấu ấn rõ rệt, ví dụ như lần đầu tham dự giải Malaysia Open – một giải cấp độ 6 sao của BWF. Ở giải này, LCW đã thi đấu xuất sắc, chỉ thua Chen Hong của Trung Quốc trong trận chung kết.

Những điểm sáng tích cực khiến nhiều người hâm mộ đặt niềm tin và hy vọng cho Olympic Athens 2004 nhưng với LCW anh không đặt nhiều mục tiêu cho kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp. Lúc này ở đội tuyển quốc gia Malaysia có tới 3 cái tên khác ngoài LCW bao gồm 2 anh em nhà Hashim là Roslin và Hafiz cùng với đó là Wong Chong Hann, tay vợt Á quân Thế Giới 2003. Roslin và Wong chong Hann thì chắc suất dự Olympic bởi họ đều nằm trong top 10 thế giới và xếp trên LCW. 

Olympic thời điểm đó mỗi Quốc gia có tối đa 3 VĐV được tham dự nếu cả 3 đều nằm trong top 16 Thế Giới. Thứ hạng lúc đó của LCW và Hafiz rất gần nhau vì vậy LCW rất nỗ lực để có thể tranh suất cuối cùng. Và giải vô địch châu Á chính là giải đấu mang tính quyết định để cả 2 VĐV nỗ lực cho tấm vé cuối cùng. Ai có thành tích tốt hơn ở giải đấu này sẽ có tấm vé đi Hy Lạp.

Kết quả cuối cùng, LCW xếp hạng 15 và Hafiz xếp hạng 17, LCW chính thức có tấm vé cuối cùng đại diện cho Malaysia tranh tài ở Athens. 

“Tâm thế của tôi khi dự kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp khá thoải mái. Tôi chỉ nghĩ mình sẽ cố gắng thi đấu hết sức, nếu chưa thành công thì đó cũng sẽ là những bài học đáng quý, giúp tôi tích luỹ kinh nghiệm cho các kỳ đại hội sau.”

Mặc dù được đặt nhiều hy vọng thế nhưng 2 tay vợt hàng đầu của Malaysia đều không vượt qua được vòng đấu đầu tiên. Người có thứ hạng thấp nhất và không được kì vọng là LCW lại là người duy nhất lọt vào vòng sau. Lúc này báo chí, ban huấn luyện và cả người hâm mộ đều đổ dồn ánh mắt cũng như niềm hy vọng vào anh. LCW bắt đầu thấy áp lực và chính áp lực đó đã khiến anh thêm lần nữa gục ngã trước Chen Hong ở tứ kết. Ở kỳ olympic này, Lin Dan là tay vợt được xếp hạng hạt giống số 1 nhưng anh khiến rất nhiều khán giả cũng như các chuyên gia bất ngờ khi thua sốc và bị loại ngay từ vòng 1.

Sau Olympic, khi LCW cảm thấy đang tự tin dần lên và vào guồng cho các giải đấu thì bất ngờ HLV Misbun Sidek được chuyển sang công việc huấn luyện khác. Liên đoàn cầu lông Malaysia thuê huấn luyện viên Li Mao về dẫn dắt đội tuyển và cũng chính ông được chỉ định huấn luyện LCW. Sự thay đổi bất ngờ khiến LCW tỏ ra sốc và phải mất khá nhiều thời gian để anh có thể thích ứng được với phong cách huấn luyện của Li Mao. Khác hoàn toàn với Sidek trước đây, HLV Li Mao hướng nhiều tới kỹ thuật di chuyển chân và kỹ thuật tổng thể. 

“Đầu năm 2005, HLV Li Mao bắt đầu huấn luyện tôi, khác với Misbun Sidek hướng tới thể lực và chiến thuật, cách huấn luyện của HLV Li Mao tập trung nhiều vào động tác chân và kỹ thuật. Ông ấy phát hiện ra điểm yếu trong các động tác chân và giao cho tôi rất nhiều bài tập để khắc phục. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi lặp đi lặp lại một động tác chân hoặc chuyển động như thế. Sự nhàm chán có thể ảnh hưởng tới tinh thần nếu nó trở cứ kéo dài như vậy. Khi đã quen với các khuôn mẫu, phương pháp tập luyện trước đây thì sẽ cần rất nhiều thời gian để thích ứng cũng như thay đổi. Tôi không thực sự thích những thay đổi đang diễn ra và cảm thấy rất khó để điều chỉnh.
Trong 6 tháng đầu tập luyện với HLV Li Mao, giữa 2 chúng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn vì tôi chưa hiểu phương pháp và triết lí tập luyện của ông ấy.
Sau khi ông ấy loại bỏ bớt các bài tập thể lực thì tôi cảm thấy thể lực của mình có phần giảm sút. Thành tích của tôi trở nên tệ hơn. Tôi đã không chơi tốt như trước và thứ hạng cũng theo đó tụt dốc. Tôi bắt đầu hoang mang và mất tự tin.”

Nhưng LCW cũng thừa nhận. Chính quãng thời gian này tuy khó khăn nhưng nó đã khiến cho anh học được nhiều điều; bộ pháp di chuyển cũng như kĩ thuật cơ bản của LCW đã được cải thiện và dần đạt đến cảnh giới cao nhất.

Bất cứ động tác nào của LCW cũng có thể coi là một trang giáo án sống bởi nó hoàn thiện, tròn trịa và rất đẹp.
Lối chơi của LCW có thể nói là sự kết hợp tuyệt vời giữa kỹ thuật và chiến thuật. Khi mới bắt đầu sự nghiệp lối chơi của LCW thiên về phòng thủ nhiều hơn nhưng càng về sau lối chơi của anh trở nên toàn diện hơn. LCW có thể thay đổi biến hoá lối chơi của mình với từng đối thủ. Anh có thể để cho đối thủ điên cuồng tấn công và chỉ chơi ở thế phòng thủ để chờ cơ hội dứt điểm. Nhưng lúc cần, anh có thể chơi tấn công nhanh vũ bão mà bất cứ tay vợt nào cũng phải khiếp sợ. (lồng ghép video phòng thủ xong chuyển sang trận vùi dập, từ khóa LCW World Class..)

Điều khiến LCW có nhiều người hâm mộ nhất trên Thế Giới đó là anh không chỉ thi đấu hiệu quả mà phong cách chơi của anh luôn tạo được sự phấn khích cho người xem. Ở những giải đấu đỉnh cao nhất của thế giới, hiếm có tay vợt nào vẫn biểu diễn kỹ thuật, sử dụng trickshot đều mà vẫn đạt được hiệu quả cao. Ở hiện tại, chúng ta có vị vua Viktor Axelsen cũng có phong cách như vậy. Khi còn trẻ Axelsen cũng rất hay biểu diễn kĩ thuật nhưng đôi lúc nó hơi bị phô diễn quá khiến cho sự hiệu quả không cao. Giờ đây thì gần như chúng ta thấy lối chơi của Axelsen trở nên chắc chắn hơn, không còn biểu diễn nhiều nữa. Với góc nhìn của team mình thì hiện tại chưa có tay vợt nào xứng đáng kế thừa sự hoa mỹ mà LCW từng làm.

Sự toàn diện của LCW thể hiện rõ nhất bằng thành tích và độ ổn định của anh. Hiếm có tay vợt nào có thể thi đấu đỉnh cao trong rất nhiều năm như LCW. Sự toàn diện trong kĩ thuật,  lối chơi cũng như khả năng duy trì sự tập trung đã giúp LCW làm được điều đó. Không giống như các tay vợt khác, có thể mạnh về thể lực, mạnh về tấn công, mạnh về phòng thủ bền bỉ hay 1 cái gì đó, ở LCW có thể nói là hội tụ đủ tất cả các yếu tố đó. Nếu chỉ mạnh về 1 cái gì đó thì thường sẽ chỉ có phong độ cao ở 1 thời gian nhất định nhưng hãy nhìn vào các con số biết nói sau đây của LCW

– 199 tuần liên tiếp từ 21 tháng 8 năm 2008 tới 14 tháng 6 năm 2012 xếp hạng số 1 thế giới, tổng cộng anh có 349 tuần đỉnh bảng xếp hạng, một kỷ lục thực sự khó bị xô đổ.

– Số danh hiệu trong sự nghiệp của Lee Chong Wei có nhiều nguồn nhưng con số 69 được thông tin rộng rãi hơn cả. Đặc biệt trong đó có rất nhiều danh hiệu Super Series, đó đều là những giải đấu lớn với tiền thưởng rất cao.

Năm 2010, Lee giành được 10 danh hiệu và thiết lập kỷ lục Guinness. Chín năm sau, kỷ lục này mới bị phá vỡ bởi Kento Momota (11 danh hiệu). Tuy nhiên, Momota đạt đỉnh cao và đạt được điều này chủ yếu trong hai năm 2018 và 2019. Trong khi đó, LCW duy trì sự ổn định và đỉnh cao của mình trong hơn một thập kỷ. Sau năm 2010, anh vẫn tham dự trung bình khoảng 14 giải mỗi năm, vào chung kết khoảng 10 giải và giành chức vô địch hơn một nửa số đó, hầu hết là các giải đấu cấp cao. Chỉ có sự toàn diện về mọi mặt mới có thể giúp anh duy trì được phong độ đỉnh cao trong thời gian dài như vậy.


Toàn diện là vậy nhưng vẫn có những nuối tiếc:


Người ta thường gọi Lee Chong Wei bằng những cái tên như “Ông Vua về Nhì” hoặc “Vị Vua Không Ngai”, nhưng cũng có những cái tên cay đắng hơn dành cho những người không thích anh, ví dụ như “Kẻ Chiến Bại Vĩ Đại”. Lý do là anh chưa bao giờ giành được cả hai danh hiệu mà nhiều người coi là quý giá nhất trong cầu lông: Vô Địch Thế Giới và Huy Chương Vàng Olympic.

Giải thích cho thất bại này thì có quá nhiều điều có thể nói tới.

Trung Quốc quá mạnh và đồng đều

Dưới sự chỉ đạo của Li Yong Bo, Đội tuyển Cầu lông Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến thuật và phương pháp để ngăn chặn Lee Chong Wei.   tin đồn cho rằng Li Yong Bo đã xây dựng một đội hình tập trung vào những điểm yếu của LCW để chuẩn bị cho các trận đấu và cố gắng phá giải sức mạnh của anh. Thêm vào đó, đội hình đa dạng và chiều sâu của Đội tuyển Trung Quốc cũng là yếu tố quan trọng khi LCW phải đối đầu với nhiều VĐV Trung Quốc trên đường đến trận chung kết ở nhiều giải đấu. Dưới sự chỉ đạo của Li Yong Bo, các tay vợt Trung Quốc đã luôn cố gắng tạo ra áp lực đối với LCW, dù không thắng được anh nhưng luôn buộc anh vào những trận đấu kéo dài và mệt mỏi để làm mất thể lực của anh, tạo điều kiện thuận lợi cho các VĐV gặp LCW ở các vòng sau.

Mặc dù sau này Liên đoàn Cầu lông Thế giới đã điều chỉnh luật để hạn chế số lượng VĐV của cùng một quốc gia tham dự nhiều giải đấu danh giá, nhưng với Đội tuyển Cầu lông Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Li Yong Bo, việc này vẫn là một thách thức lớn đối với các đối thủ, đặc biệt là khi các giải đấu tổ chức tại Trung Quốc và họ có nhiều chiêu trò để cải thiện cơ hội giành huy chương.

Ví dụ rõ nhất có thể là giải Vô địch Thế giới 2013 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Trận chung kết năm đó đã diễn ra trong điều kiện nắng nóng mùa hè, và hệ thống điều hòa và thông gió trong nhà thi đấu đã gặp sự cố nhiều lần. Kết quả là LCW đã phải bỏ cuộc ở điểm số 17 trong set quyết định sau khi hệ thống điều hòa bị cúp, ảnh hưởng đến hiệu suất thi đấu của anh.

Áp lực vô hình từ chính nước mình.


Sự chia rẽ nội bộ trong đội cầu lông Malaysia đã luôn làm hạn chế sự thành công của họ. Mặc dù luôn có những tài năng xuất sắc, nhưng cho đến khi Lee Chong Wei thi đấu, họ chưa từng đạt được đỉnh cao nhất. Đội tuyển quốc gia thậm chí còn chia thành hai phần, một phần sử dụng tiếng Hoa trong huấn luyện và nửa còn lại sử dụng tiếng Mã Lai, do các HLV tiếng Mã Lai đảm nhiệm. Nếu họ có thể đoàn kết với mục tiêu chung, có lẽ mọi thứ sẽ có sự khác biệt lớn hơn.

Áp lực vô hình cũng đến từ kỳ vọng của người hâm mộ. LCW đã đạt đến mức độ toàn diện, chiến thắng nhiều giải Super Series, vì vậy việc người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng là điều dễ hiểu. Cả thủ tướng và phu nhân Malaysia đều là fan hâm mộ của LCW, thể hiện sự quyết tâm và mong muốn lớn lao từ quốc gia.

Trước Olympic 2012, doanh nhân Andrew Kam, một người hâm mộ cầu lông và sở hữu một câu lạc bộ cầu lông riêng, đã đặt ra một phần thưởng không thể tin được: số cây vàng tương đương với cân nặng của LCW nếu anh ấy vô địch. Câu hỏi là, anh ta sẽ nhận được bao nhiêu kg vàng?

Tuy nhiên, những áp lực này, cộng với sự can thiệp của báo chí, tạo ra áp lực lớn đối với LCW. Nhiều người tin rằng, ngay cả trong ban lãnh đạo của đội cầu lông Malaysia, có những người không muốn LCW đạt được vinh quang, khiến cho các đề xuất của anh để cải thiện tập luyện không được đáp ứng.

Một yếu tố khác mà tôi cho là rất quan trọng, khiến LCW không thể đạt được danh hiệu quan trọng nhất trong sự nghiệp, đó chính là việc anh thi đấu quá nhiều.

Gần như tất cả các giải đấu Super Series (tức là từ cấp Super 500 trở lên hiện nay), LCW không bỏ lỡ bất kỳ giải nào, trừ khi gặp chấn thương. Tuy nhiên, điều này cũng khá hiếm hoi vì kỹ thuật của anh rất toàn diện, ít khi gặp chấn thương nặng. Trong hơn một thập kỷ, mỗi năm anh tham gia từ 12 đến 17 giải, điều này khiến đối thủ rõ ràng hiểu biết về lối chơi của anh. Đồng thời, do Lee Chong Wei giữ vững vị thế số 1 thế giới trong thời gian dài nên việc anh giành chiến thắng ở các giải đấu đã trở nên quen thuộc, bình thường; trong khi khi anh không giành được vô địch, điều đó lại trở thành chủ đề nổi bật được báo chí đẩy lên. Ví dụ, ở giải Singapore mở rộng năm 2009, LCW thua trước huyền thoại cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh, điều này đã khiến báo chí đồng loạt bắt đầu đề cập về việc LCW bất ngờ thua cuộc.

Điều này cũng có thể coi như một cái dớp cho những người đứng đầu thế giới, vì họ phải chịu áp lực phải giành chiến thắng ở mọi giải đấu. Vì vậy, sau mỗi lần lỡ hẹn, áp lực ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến tâm lý của Lee Chong Wei. Trong những trận chung kết căng thẳng, có nhiều trường hợp LCW luôn dẫn đầu ở các điểm quyết định nhưng lại chấp nhận thất bại ở những phút cuối cùng.
Nếu có khả năng thay đổi quá khứ, mình sẽ sử dụng cụm từ “Giá như” để diễn tả những điều có thể đã xảy ra khác đi:

Giá như Lee Chong Wei đã tận dụng cơ hội ở giải VĐTG năm 2010. Trong giải đấu này, Lin Dan, là hạt giống số 1, đã bất ngờ bị loại ở tứ kết bởi Park Sung Hwan sau 2 set. Trong khi đó, LCW ở nhánh đấu còn lại và thi đấu sau đó. Mặc dù mọi người đều tin rằng Lin Dan và LCW là hai tên cầu lông không thể vượt qua, nhưng LCW cuối cùng cũng gục ngã trước Taufik Hidayat, một đối thủ không còn ở đỉnh cao phong độ. LCW đã có chuỗi 7 trận thắng liên tiếp trước đó. Sau đó, Taufik Hidayat đã vào chung kết và để thua Chen Jin, một đối thủ mà LCW thường thích đấu và đã thắng anh 11 trong tổng số 13 lần đối đầu.

Giá như trận chung kết Vô địch Thế giới 2011, LCW bình tĩnh hơn một chút. Trong set quyết định thứ 3, LCW đã có điểm Match Point trước nhưng cuối cùng lại gục ngã 21-23. Một năm sau, tại chung kết Olympic London 2012, cũng trong set quyết định thứ 3, giá như LCW có thêm một chút thể lực và bình tĩnh. LCW đã luôn dẫn trước Lin Dan ở set quyết định đến khi điểm số là 19-18, nhưng sau đó, Lin Dan liên tiếp ghi 3 điểm và giành tấm HCV thứ hai trong sự nghiệp của mình.

Những trận đấu này đã thể hiện rõ sự cạnh tranh và khó khăn mà các vận động viên hàng đầu phải đối mặt trong thế giới cầu lông chuyên nghiệp. Đó là những trận cầu gây cấn và đầy kịch tính. Và dù chỉ có một chức vô địch trong số đó, nó đã có thể đủ để giải tỏa áp lực đặt lên LCW và có thể đã thay đổi lịch sử. Tuy nhiên, thể thao không biết đến “giá như” và việc danh hiệu này thiếu sót đã góp phần tạo nên huyền thoại của người Malaysia. 

Nhưng sau tất cả những trải nghiệm đó, có thể nhận thấy sự may mắn khi những người hâm mộ như chúng ta được chứng kiến những màn trình diễn đỉnh cao của Lee Chong Wei trong suốt nhiều năm qua. Với việc chưa có danh hiệu lớn, lòng khao khát chiến thắng của LCW vẫn được duy trì nguyên vẹn, là nguồn động viên cho anh thi đấu không ngừng. Anh luôn nỗ lực vượt qua thời gian, thậm chí khi gặp phải chấn thương, để trở lại sân đấu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều này cũng đã khiến cho các y bác sĩ của đội mắc phải sai lầm khi cho anh sử dụng một loại thuốc chống viêm, nằm trong danh sách cấm của Tổ chức chống doping thế giới (WADA). Kết quả là vào ngày 27 tháng 4 năm 2015, Lee Chong Wei bị án phạt tám tháng tính từ khi bị đình chỉ thi đấu vì vi phạm quy định chống doping. Mặc dù thời gian cấm đã được giảm từ 2 năm xuống còn 8 tháng sau khi ban hội thẩm được thuyết phục rằng anh không có mục đích gian lận, và anh được phép tiếp tục sự nghiệp vào ngày 1 tháng 5 năm 2015. Tuy nhiên, án phạt này đã khiến LCW bị tước mất tấm HCB Thế Giới năm 2014.

Nhưng số phận nghiệt ngã quyết tâm đánh gục bằng được anh.

Sau Olympic 2016, mặc dù mọi người đều nghĩ rằng Lee Chong Wei nên nghỉ ngơi, anh vẫn không ngừng khát khao chiến thắng. Anh tiếp tục miệt mài tập luyện và thi đấu, mặc dù có vẻ như Liên đoàn cầu lông Malaysia không còn đầu tư nhiều vào anh như trước, dù anh vẫn đứng đầu bảng xếp hạng của họ. Điều gây sốc nhất là khi LCW bị đưa ra khỏi đội hình chính và buộc phải tập luyện với các vận động viên trẻ tại một trung tâm không đảm bảo về cơ sở vật chất. Trong một buổi tập, LCW đã trượt ngã và gặp chấn thương đầu gối. Sự việc này khiến Giám đốc kỹ thuật Morten Frost đặt ra câu hỏi: “Khi nào Lee Chong Wei sẽ giải nghệ?”

Là huyền thoại của cầu lông Malaysia hay rộng hơn là của cả thế giới nhưng LCW luôn thể hiện sự khiêm tốn và chưa bao giờ xích mích với Liên đoàn cầu lông hay ban lãnh đạo. Tuy nhiên, điều này khác biệt hoàn toàn với lứa vận động viên trẻ sau này, họ có thái độ nổi loạn hơn và nhiều người rời khỏi đội tuyển để trở thành vận động viên tự do, ví dụ như Lee Zii Jia. Tuy nhiên, thực tế là Liên đoàn cầu lông Malaysia và Giám đốc Morten Frost đã thiếu sự tôn trọng đối với LCW trong giai đoạn đó.

Mặc dù thế, LCW vẫn rất nỗ lực để có thể tham dự kỳ Olympic 2020

Tháng 9 năm 2018, sau khi trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát, các bác sĩ đã chẩn đoán Lee Chong Wei mắc ung thư mũi. Đối với hầu hết mọi người, việc nhận được thông báo về mắc bệnh ung thư có thể coi như là một bản kết án sớm, làm rất nhiều người cảm thấy nản lòng và suy sụp. Tuy nhiên, LCW đã tuyên bố sẽ không từ bỏ, mà sẽ cố gắng hết mình để chiến thắng căn bệnh này và đạt được Huy chương vàng Olympic đầu tiên cho Malaysia tại Tokyo 2020.

Tuy nhiên, sau vài tháng điều trị, việc phục hồi không đem lại kết quả tích cực và do tuổi tác (36 tuổi) cũng như tình trạng sức khỏe không cho phép, các bác sĩ đã khuyên anh nên giải nghệ.

“Xin lỗi vì không thể thực hiện ước mơ của mình đến Tokyo và không thể mang về Huy chương vàng Olympic cho Malaysia. Tôi không hối tiếc vì đã cố gắng hết mình. Tôi thực sự biết ơn tất cả mọi người,” – LCW chia sẻ trong buổi họp báo thông báo quyết định giải nghệ, với những giọt nước mắt không thể ngăn được. Với bản thân anh, LCW đã dành hết tình yêu và nỗ lực cho người hâm mộ, không chỉ ở Malaysia mà còn trên toàn thế giới.

Dù không đạt được thành tích giành Huy chương vàng tại Giải Vô địch Thế giới hay Olympic, nhưng Lee Chong Wei có thể được xem như đã chạm tới “vàng” đối với các cây vợt mà anh sử dụng.

Sự đa dạng và linh hoạt của LCW được thể hiện rõ qua việc anh sử dụng các loại vợt. Trong làng cầu lông, có rất nhiều vận động viên chỉ dùng duy nhất một dòng vợt suốt sự nghiệp, thậm chí khi dòng vợt đó đã ngừng sản xuất vì họ không thích sự thay đổi hoặc không thích ứng được với các dòng vợt khác. Nhưng LCW là ngoại lệ. Anh có khả năng sử dụng hầu hết các dòng vợt mà nhà tài trợ cung cấp. Từ những dòng vợt nhẹ đầu, mà chúng ta thường nghĩ chỉ dành cho lối chơi phòng thủ hoặc phản tạt trong đánh đôi, cho đến những dòng vợt cân bằng và tập trung vào kiểm soát, và cuối cùng là những dòng vợt nặng đầu thiên về tấn công. LCW đều có thể sử dụng và không có quá nhiều sự chênh lệch trong hiệu suất giữa các dòng vợt. Có thể công nhận rằng, Yonex đã có một “con gà đẻ trứng vàng” khi ký hợp đồng tài trợ với LCW. Bất kể cây vợt nào LCW sử dụng, nó luôn tạo ra cơn sốt và luôn là một trong những cây vợt bán chạy nhất của hãng. Tin rằng rất nhiều người xem video này sẽ nhớ các cây vợt mà LCW đã từng sử dụng, như Armortec 700, Armortec 900, Nanospeed 9900, Voltric 80, ZForce, ZForce 2, hoặc Duora 10… và có rất nhiều người mua để sử dụng những cây vợt đó, bởi LCW đã từng sử dụng chúng.

 

Tình yêu đẹp với người vợ

Sự chung thuỷ của Lee Chong Wei là một điều khiến nhiều người ngưỡng mộ, bao gồm cả bản thân mình. Điều này tạo ra một sự tương phản đáng chú ý so với đối thủ lâu năm của anh, Lin Dan.

LCW và Wong Mew Choo gặp nhau tại học viện thể thao quốc gia, cả hai đều là những vận động viên trẻ tài năng được gọi lên tập trung. Khi LCW lần đầu gặp Wong Mew Choo, anh đã trải qua cảm giác tiếng sét ái tình. Với anh, cô gái nhỏ nhắn với 2 bím tóc này tỏ ra nghiêm túc trước mặt anh nhưng lại có nụ cười rạng rỡ khi giao tiếp với các bạn nữ khác, điều này khiến con tim của chàng trai trẻ không ngừng xao xuyến.

“Ở lớp, tôi không phải là học sinh giỏi, nhưng tôi luôn nỗ lực học tập một cách nghiêm túc. Trong balo của tôi, thường có vài cuốn vở, cuốn sách tham khảo, nhưng không bao giờ có hộp bút. Có lần tôi đã quên mang bút, và tôi ngồi phía sau cô ấy dựt dựt bím tóc để mượn bút. Cô ấy đã rất nghiêm túc quay xuống và đưa tôi mượn cái bút, sau đó lại tiếp tục lắng nghe giảng dạy mà không để ý đến tôi.”

 

Lee Chong Wei – Vị vua không ngai của cầu lông thế giới

Tình yêu của LCW với Wong Mew Choo ban đầu không trải qua những thời kỳ suôn sẻ. Wong Mew Choo đến từ một gia đình có giáo dục cao, và họ thường phải lén lút hẹn hò vì Wong Mew Choo ở cùng người chị. Tuy nhiên, sau một thời gian, mối quan hệ của họ đã bị phát hiện. Bố mẹ của Wong Mew Choo luôn lo lắng rằng tình yêu sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của cả hai vì họ còn quá trẻ, và tương lai còn dài phía trước. Họ đặt điều kiện nếu Wong Mew Choo muốn tiếp tục tập luyện cầu lông, cô phải chấm dứt mối quan hệ này. Dù bị áp đặt điều kiện, Wong Mew Choo không thể làm trái lòng phụ huynh. Khi cô nói với LCW về điều này, anh đã không chấp nhận và tin rằng tình yêu có thể giúp cả hai cùng phát triển hơn. Mặc dù không mong muốn, nhưng cả hai đã không thể tiếp tục.

Tuy nhiên, sau đó cả Lee Chong Wei và Wong Mew Choo đã chứng minh cho phụ huynh hiểu rằng tình yêu của họ không làm giảm mục tiêu và đã giúp họ cùng nhau tiến bộ. Họ cùng nhau đoạt giải quốc gia trong năm đó, thể hiện sức mạnh của tình yêu trong việc truyền cảm hứng và khích lệ.

Sau khi được gia đình chấp thuận, họ luôn ủng hộ lẫn nhau, không chỉ ở học viện mà còn ở đội tuyển quốc gia. Ngày 9/11/2012 Lee Chong Wei và Wong Mew Choo quyết định về chung một mái nhà  bằng một đám cưới linh đình. Lễ đón dâu của tay vợt số một thế giới lúc đó thu hút sự chú ý từ người dân và giới truyền thông Malaysia với sự xuất hiện của một loạt siêu xe như Lamborghini Aventador, Bentley Continental Flying Spur. Rolls-Royce Ghost, Lamborghini Aventador Gallardo LP560, Gallardo LP570 hay Ferrari F430….

Tiệc cưới của Lee Chong Wei kéo dài trong hai ngày (9-10/11) với sự tham dự của khoảng 1.800 khách mời.

Kết tinh tình yêu của họ là 3 người con kháu khỉnh 2 cậu con trai Kingston (2013) , và Terrance 2015 và gần đây họ chào đón đứa con gái  Anson Lee năm 2022.

Sau tất cả, những gì chúng ta có thể cảm nhận được từ LCW đó là 1 quý ông lịch lãm. Từ phong cách thi đấu cho tới tính cách đều chứng tỏ anh là một mẫu người hoàn hảo.

Anh được thủ tướng Malaysia phong tước vị Datuk cho những cống hiến của anh cho đất nước.
Không chỉ là vdv xuất sắc, người hâm mộ còn biết đến LCW là một con người có trái tim nhân hậu.
Năm 2011, khi đang tham dự All England, nghe được thông tin Nhật Bản bị sóng thần qua truyền thông. LCW cảm thông nỗi đau của người dân Nhật Bản. Ngay trong giải đấu đó anh đã đứng ra thành lập quỹ ủng hộ người dân Nhật Bản. Và nó đã lan toả mạnh mẽ không chỉ ở giải đấu đó mà sau khi về Malaysia cũng có nhiều cuộc quyên góp ủng hộ người dân Nhật Bản với sự góp mặt của các ngôi sao, quan chức chính phủ.

Ngoài ra LCW cũng là đại diện của quỹ nhi đồng liên hiệp quốc UNICEF từ tháng 2 năm 2009.

Để dành lời kết cho video này, mình sẽ dẫn lời 2 huyền thoại, 2 đối thủ lớn nhất sự nghiệp của LCW nói về anh.

 

Taufik Hydayat, người đối đầu nhiều nhất với LCW khi cả 2 gặp nhau 23 lần và LCW dành chiến thắng 15 trong số đó cho biết:
“Anh ấy là một huyền thoại của làng cầu lông thế giới, nhưng về việc giành những chức vô địch lớn thì anh ấy lại thiếu may mắn, có lẽ điều duy nhất Lee Chong Wei thiếu là may mắn”

“Tôi đạt được sự nghiệp như ngày hôm nay một phần là nhờ anh ấy. Chính sự xuất sắc của anh ấy, và những cuộc đối đầu của chúng tôi được truyền thông quan tâm mà khiến tôi cố gắng nỗ lực hàng ngày. Tôi của ngày hôm nay một phần là bởi LEE Chong Wei.” Lindan nói

Tìm hiểu về LCW bản thân mình thấy thật gần gũi và thân thuộc. Có nhiều nét giống người Việt nam chúng ta, giống với bao thế hệ thanh niên 8x như mình.

Khoa học đã chứng minh : Chúng ta chỉ nhớ tới người đầu tiên hay số 1 như ai cũng biết người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng là Neil Armstrong. Không mấy ai nhớ tới người thứ 2 đặt chân lên mặt trăng là ai. Nhưng mình tin chắc 1 điều rằng. Ai đã chơi cầu lông đã yêu cầu lông thì luôn có hình ảnh LCW trong tim. Luôn nhớ tới một quý ông lịch lãm, hoa mỹ trên sân cầu. Và điều đó được khẳng định bởi liên đoàn cầu lông thế giới BWF. Tháng 5 2023, LCW được liên đoàn cầu lông thế giới đề cử vào Hall Of Frame – Nơi góp mặt của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất cho sự phát triển của cầu lông thế giới. Sánh ngang với các huyền thoại như Lindan. Nơi mà Taufik Hidayat người dành đủ cả danh hiệu thế giới và Olympic cũng chưa có được vinh dự này.

Chia sẻ

Nhận xét, đánh giá

Chưa có đánh giá để gửi nhận xét

Bài viết khác

Các nhà vô địch giải Kumamoto Masters Japan 2024 - cấp độ super 500
Các nhà vô địch giải Kumamoto Masters Japan 2024 - cấp độ super 500
17-11-2024 | 61 lượt xem
4 đại diện chủ nhà vào bán kết Giải cầu lông quốc tế Li-Ning Vietnam International Series 2024
4 đại diện chủ nhà vào bán kết Giải cầu lông quốc tế Li-Ning Vietnam International Series 2024
Giải cầu lông quốc tế Li-Ning Vietnam International Series 2024 diễn ra từ ngày 12 đến 17/11 tại nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang.
16-11-2024 | 7 lượt xem
Cầu lông Việt Nam thua sạch ở vòng 1 Korea Masters 2024 cấp độ 300
Cầu lông Việt Nam thua sạch ở vòng 1 Korea Masters 2024 cấp độ 300
Diễn ra từ ngày 5-10/11, Korea Masters 2024 chào đón các tay vợt Việt Nam dự vòng đấu chính như đơn nữ Nguyễn Thùy Linh, đơn nam Nguyễn Hải Đăng, đôi nam Nguyễn Đình Hoàng / Trần Đình Mạnh và đôi nam nữ Thân Vân Anh / Nguyễn Văn Hải. Giải cầu lông HYLO Open 2024
07-11-2024 | 56 lượt xem
Thất bại tại Hylo Open 2024, Nguyễn Thùy Linh muốn rút khỏi các giải quốc tế vì chấn thương
Thất bại tại Hylo Open 2024, Nguyễn Thùy Linh muốn rút khỏi các giải quốc tế vì chấn thương
Dù còn nhiều giải đấu lớn từ giờ đến cuối năm nhưng tay vợt Nguyễn Thùy Linh vẫn suy nghĩ về việc tạm nghỉ để chăm sóc bản thân.
03-11-2024 | 91 lượt xem
Đại thắng tay vợt Thái Lan Puritat Arree, Nguyễn Hải Đăng lọt tứ kết giải cầu lông Indonesia cấp độ super 100
Đại thắng tay vợt Thái Lan Puritat Arree, Nguyễn Hải Đăng lọt tứ kết giải cầu lông Indonesia cấp độ super 100
Được xếp hạng hạt giống cao, cơ hội để Nguyễn Hải Đăng tiến sâu ở giải cầu lông Super 100 Indonesia Masters II 2024 là khá lớn.
31-10-2024 | 100 lượt xem
HYLO Open có ảnh hưởng tới giải cầu lông World Tour Finals 2024?
HYLO Open có ảnh hưởng tới giải cầu lông World Tour Finals 2024?
Diễn ra từ ngày 29/10-3/11, HYLO Open 2024 tổ chức tại Saarbrücken, Đức với tổng tiền thưởng 210.000 USD, thuộc đẳng cấp Super 300.
28-10-2024 | 46 lượt xem
Lê Đức Phát rút khỏi giải cầu lông Hylo Open 2024
Lê Đức Phát rút khỏi giải cầu lông Hylo Open 2024
Tay vợt Lê Đức Phát đã xác nhận thông tin rút lui, không tham dự giải cầu lông Đức Hylo Open 2024 dù đã hoàn tất thủ tục đăng ký trước đó.
23-10-2024 | 46 lượt xem
Nguyễn Thùy Linh là hạt giống số 4 tại Hylo Open 2024
Nguyễn Thùy Linh là hạt giống số 4 tại Hylo Open 2024
Theo thông tin từ ban tổ chức giải cầu lông Đức Hylo Open 2024, tay vợt Nguyễn Thùy Linh được xếp hạt giống số 4, nằm trong số những VĐV có thể tiến sâu tại nội dung đơn nữ.
23-10-2024 | 139 lượt xem
Các tay vợt Việt Nam chưa cải thiện được thứ hạng thế giới
Các tay vợt Việt Nam chưa cải thiện được thứ hạng thế giới
Các tay vợt của cầu lông Việt Nam chưa cải thiện được nhiều thứ hạng trên bảng xếp hạng của cầu lông quốc tế BWF.
23-10-2024 | 102 lượt xem
Nhà vô địch Olympic 2024 An Se Young trở lại ngôi số 1 cầu lông thế giới
Nhà vô địch Olympic 2024 An Se Young trở lại ngôi số 1 cầu lông thế giới
Sau quãng thời gian dài nghỉ ngơi hậu Olympic Paris, An Se Young ngay lập tức lấy lại những gì đã mất trên BXH cầu lông thế giới.
23-10-2024 | 60 lượt xem